( ) - Lượt xem: 2028
Giá của bo mạch chủ khá cao, nó cũng là một phụ kiện quan trọng trong máy tính. Nó hỗ trợ việc kết nối toàn bộ các phụ kiện khác lại với nhau, đồng thời là kênh truyền dữ liệu trao đổi giữa các phụ kiện đó.
Như vậy, thay thế bo mạch chủ sẽ gây tốn kém khá nhiều chi phí cho người sử dụng máy tính và làm ảnh hưởng đến tính tương thích của toàn bộ các phụ kiện còn lại trong máy tính. Hệ điều hành cũng bị ảnh hưởng quan trọng khi bo mạch chủ được thay mới, thông thường bạn phải cài đặt lại Windows sau khi có một bo mạch chủ mới.
Các hư hỏng ở bo mạch chủ gây ra nhiều lỗi khác nhau làm mất tính ổn định hệ thống, hoặc làm cho máy tính ngưng hoạt động. Vì thế, nếu đã chắc chắn rằng bo mạch chủ bị lỗi nặng, bạn nên chấp nhận tốn chi phí để thay mới, hơn là cố gắng sử dụng tiếp.
Tại sao bo mạch chủ lại bị hỏng?
Có khá nhiều nguyên nhân làm bo mạch chủ bị hỏng. Đó có thể là do lúc lắp đặt bo mạch chủ, bạn đã quá mạnh tay, làm cho nó bị cong hay nứt gãy. Bạn cũng có thể đã quá mạnh tay khi lắp thêm các phụ kiện khác như RAM, CPU hay các bo mạch mở rộng vào bo mạch chủ.
Độ ẩm và nhiệt độ cao là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng phù tụ hay rỉ sét các mạch in trên bo mạch chủ. Hiện tượng sét lan truyền, hoặc hiện tượng sốc điện lúc tắt mở máy tính cũng làm bo mạch chủ bị hư hỏng nặng nề.
Ngoài ra, thói quen của rất nhiều người sử dụng và sửa chữa máy tính là không mang vòng chống tĩnh điện, và việc nhiễm tính điện sẽ gây các hỏng hóc khó phát hiện, và khó sửa chữa cho bo mạch chủ.
Cần làm gì để khỏi hỏng bo mạch chủ?
Cũng tương tự như các bo mạch khác, bạn cần đặt máy tính ở nơi khô mát, ít bụi. Nếu bo mạch chủ được tháo rời ra khỏi máy tính, thì bạn hãy đặt nó vào các túi chống bụi, và chống nhiễm từ để bảo quản.
Khi lắp đặt bo mạch chủ, hay các phụ kiện khác, bạn nên tác dụng một lực vừa phải, và thường xuyên kiểm tra mức độ tiếp xúc của chúng với nhau.
Bạn cũng tránh hiện tượng phải thường xuyên tắt mở máy đột ngột. Nếu có điều kiện, bạn nên cắm máy tính thông qua bộ lưu điện UPS, hay thiết bị ổn áp.
Nếu máy tính thường xuyên nối mạng Internet trong mùa mưa bão, bạn nên lắp thêm bộ chống sét cho đường dây ADSL, để chống lại việc sét lan truyền từ các đầu đấu nối trên đường phố, dẫn vào máy tính là hư hỏng các bo mạch.
Nếu tự mình sửa chữa máy tính, bạn cũng cần nhớ phải mang vòng chống tĩnh điện để tránh việc chính bạn làm cho bo mạch chủ và các linh kiện khác hư hỏng do nhiễm điện.