( ) - Lượt xem: 5378
Phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực đến 30 năm, nền công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trên con đường phát triển. Trải qua nhiều nỗ lực thực hiện các chiến lược phát triển, những cái tên tiên phong trong công cuộc xây dựng là VMC (Công ty Ô tô Hòa Bình) hợp tác lắp ráp và phân phối xe cho các thương hiệu BMW, Mazda và Kia cùng với Mekong lắp ráp xe Fiat, Ssangyong.
Tuy nhiên, sau cuộc đổ bộ của các tên tuổi như Toyota, Honda, Daihatsu, Ford và Mercedes, các doanh nghiệp trong nước đã yếu thế hẳn dù Chính phủ đã có những chiến lược hỗ trợ rất rõ ràng và kiên quyết như đánh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc rất cao, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, vật tư đầu vào.
Cột mốc gia nhập ASEAN (năm 1995) là thời điểm cho thấy những thất bại của nền công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam rõ nét hơn, khi ngành công nghiệp sản xuất linh kiện nội địa vẫn chưa đủ sức thay thế sản phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà sản xuất lại dần rút khỏi Việt Nam vì chính sách ưu đãi thuế suất dành cho xe nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á được ký kết.
Năm 2018 là năm đánh dấu sự biến hóa mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Trong bối cảnh nguy cơ thị trường trong nước tràn ngập xe nhập khẩu của khu vực, bởi thuế suất nhập khẩu chỉ bằng 0% thì sự xuất hiện của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP được ban hành vào ngày 17/10/2017 được xem như là một cú hích giờ chót đem về nhiều lợi thế cho dòng xe sản xuất, lắp ráp nội địa, khi có nhiều rào cản mới đối với xe nhập khẩu.
Nhìn lại quá khứ, trước khi Thái Lan trở thành quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á như hiện nay, chính phủ nước này đã lựa chọn chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất, gia công linh kiện và lắp ráp ngay từ đầu, kết hợp với những chính sách gọng kiềm siết chặt đối với xe nhập khẩu; trong khi Malaysia lại chọn việc đầu tư thương hiệu quốc gia với những chiếc xe mang tên Proton hay Perodua đã đem lại niềm hãnh diện cho người dân sở tại.
Mặc dù giờ đây đã có nhiều thay đổi về sở hữu khi Proton có cổ phần lớn của hãng xe Trung Quốc Zhejiang Geely, còn Perodua có đến 35% cổ phần của Toyota; sự tăng trưởng của cả 2 mẫu xe trên thị trường Malaysia là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng lựa chọn xe chất lượng tốt nhưng giá cả phải chăng của người tiêu dùng, không phân biệt đó là thương hiệu nước ngoài hay nội địa. Riêng mẫu xe Perodua từng lập kỷ lục với doanh số 207.100 xe trong năm 2016 chiếm 35% thị phần của thị trường ô tô tại quốc gia này.
Những thành công từ Thái Lan và Malaysia chắc chắn đã có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong việc siết chặt với xe nhập khẩu cũng như sự nỗ lực ra mắt một thương hiệu ô tô Made in Vietnam như VinFast.
Vì vậy, một chiến lược mới phải được nhanh chóng hình thành để phù hợp với sự tăng trưởng nhanh của ngành ô tô Việt Nam. Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được xem là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam có thể tạo bước phát triển mang tính đột phá theo 4 xu hướng chính gồm: tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ.
Sự ra mắt thành công bước đầu của thương hiệu ô tô VinFast cùng với sự tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước như THACO hay Hyundai Thành Công và những nỗ lực tham gia đầu tư từ các công ty công nghệ sẽ là những bước tiên phong đáng tin cậy để hướng đi của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam ngày càng rộng mở hơn.